Học viên cố tình sử dụng điện thoại và các thiết bị viễn thông khi đang thi sát hạch cấp GPLX sẽ bị lập biên bản hủy bỏ kết quả sát hạch và không cho phép dự thi trong thời hạn 5 năm theo quy định.
Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, phòng đã phát hiện 8 trường hợp sử dụng điện thoại, thiết bị nghe nhìn khi thi sát hạch. Những trường hợp này đều sẽ bị cấm thi bằng lái trong 5 năm tiếp theo.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, phòng đã phát hiện 369 giấy phép lái xe giả và có 76 trường hợp nghi vấn GPLX do Campuchia cấp để đổi sang GPLX Việt Nam.
Để chấn chỉnh tình trạng các cơ sở đạo tạo cấp giấy phép lái xe trên, thời gian qua, thanh tra Sở GTVT đã tăng cường công tác kiểm tra, qua kiểm tra đã phát hiện 15 trường hợp sử dụng giấy khám sức khỏe giả.
Đại diện Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX cho biết trong 6 tháng đầu năm, số lượng thi sát hạch đối với ô tô đậu chỉ có 67%. Tỉ lệ đậu đã giảm 6% so với năm 2018, đây là tỉ lệ đậu thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ trong công tác tổ chức thi sát hạch rất chặt chẽ, sát sao.
Cụ thể, về công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT, các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe thực hiện chỉ đạo của Hội đồng sát hạch, Tổ sát hạch, thường xuyên đảo đề thi lý thuyết trắc nghiệm trên giấy khi sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1.
Các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định sát hạch lái xe, trong đó, bố trí tủ đựng đồ cá nhân cho học viên, đảm bảo học viên không mang điện thoại và các thiết bị viễn thông vào trong phòng sát hạch lý thuyết và trên xe sát hạch lái xe trong hình.
Trường hợp học viên cố tình sử dụng điện thoại và các thiết bị viễn thông thì lập biên bản hủy bỏ kết quả sát hạch và không cho phép học viên tham dự sát hạch trong thời hạn 5 năm theo quy định.
Học viên không được công nhận trúng tuyển, được đăng ký với cùng một cơ quan quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe để sát hạch lại tối thiểu sau 1 tháng, kể từ ngày sát hạch không đạt, để bảo đảm thời gian ôn luyện của học viên.
Đối với các trung tâm sát hạch lái xe có sân sát hạch lái xe ô tô hạng FC (xe đầu kéo, sơ mi rơ moóc), các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe khẩn trương cố định cọc chuẩn và vỉa hè hình sát hạch (bài ghép xe, tiến qua đường vòng vèo …); lắp đặt camera giám sát quá trình sát hạch và lưu trữ dữ liệu quá trình sát hạch trong hình tại trung tâm sát hạch trong thời gian tối thiểu 1 năm.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Về công tác cấp, đổi và quản lý giấy phép lái xe, các đơn vị trên phối hợp thống kê, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin dữ liệu về người lái xe gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng như đơn vị đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, thâm niên….
“Quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe và giám sát các kỳ sát hạch là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai kế hoạch 2019 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng ngày 11/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ đánh trượt ngay các thí sinh vi phạm một số lỗi trong sát hạch như không dừng đèn đỏ, vi phạm đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt.
Vị Tư lệnh ngành giao thông cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức học thi cấp bằng lái xe, tất cả các lái xe khi ra đường phải vững vàng nghiệp vụ, tư cách đạo đức tốt, chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, tăng thời lượng giáo trình để lái xe biết vấn đề cơ bản về Luật giao thông, tổ chức thi cử công khai minh bạch để cấp bằng.
“Những đối tượng không nắm vững lý thuyết và thực hành thì phải loại. Thi bằng lái lên những loại xe container, xe quá khổ quá tải thì trình độ năng lực phải thật tốt, đảm bảo vận hành an toàn cho người tham gia giao thông,” người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh.